Lộ trình đàm phán hiệp định TPP của Việt Nam chưa kết thúc, nhưng theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp ngành dệt may của Việt Nam sẽ có lợi nếu chứng minh được 60% xuất xứ nguyên liệu của mình (ngoại trừ bông). Tuy nhiên, với nội lực yếu cộng với nguồn nguyên phụ liệu chủ yếu của các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó.
Dệt may trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nước ngoài. Ảnh:CAO THĂNG
Thiếu vốn
Ông Lê Đông Triều, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt may Gia Định cho biết, nguồn nguyên phụ
liệu dệt may của nước ta chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong bối cảnh, Việt Nam gia nhập Hiệp định TPP thì sự phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu đang trở thành thách thức lớn cho ngành dệt may, nếu các doanh nghiệp không tìm được cách nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên phụ liệu để được hưởng ưu đãi thuế quan từ hiệp định. Thống kê từ Vitas cho biết có đến 60% - 70% nguyên phụ liệu sản xuất trong ngành dệt may Việt Nam đang nhập khẩu và 85% doanh nghiệp sản xuất theo phương thức gia công đơn giản. Do vậy, giá trị gia tăng không cao và thâm dụng lao động nhiều.
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty SX May Sài Gòn cho biết, nguồn nguyên phụ liệu là yếu tố sống còn của ngành dệt may. Các doanh nghiệp Việt Nam đều biết nhưng cũng không thể làm gì. Đơn cử, để đầu tư một nhà máy may quy mô lớn chỉ cần khoảng vài triệu đô la nhưng cũng với số tiền đó chỉ đủ đầu tư một máy dệt sợi. Vậy với tiềm lực kinh tế của đa số doanh nghiệp ngành may mặc tại TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung, có mấy đơn vị có đủ khả năng đầu tư nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu? Đó là chưa kể việc phát triển nhà máy nguyên phụ liệu đang vướng phải các điều kiện đảm bảo yêu cầu môi trường ngặt nghèo.
Riêng tại TPHCM, từ năm 2003 đến nay, dệt nhuộm được liệt vào một trong 17 ngành nghề nhạy cảm với môi trường nên hạn chế cấp phép. Số ít nhà máy xây dựng trước thời điểm đó thì không thể tồn tại vì khó đạt các tiêu chuẩn về nước thải. Mặt khác, do các nhà máy được đầu tư trước thời điểm quy hoạch vào khu chế xuất, khu công nghiệp nên thường nằm ngoài khu dân cư. Thời điểm gần đây, khi mật độ dân cư sinh sống quanh khu vực nhà máy ngày càng nhiều, buộc các doanh nghiệp này phải di dời. Do đó, rất ít doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu còn tồn tại đến nay.
Cần chính sách phù hợp
Hiện nay, ngoại trừ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đủ khả năng đầu tư nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu. Số doanh nghiệp còn lại đang chật vật vì không đủ khả năng về vốn. Hiện Vinatex đã đưa 3 dự án sản xuất sợi đi vào hoạt động là Nhà máy Phú Bài 2, Nhà máy sợi Hồng Lĩnh, Nhà máy sợi Đồng Văn. Ngoài ra còn 4 dự án khác cũng đang gấp rút hoàn thiện để sớm đi vào hoạt động là Nhà máy sợi PVTex Nam Định, Nhà máy sợi PVTex Phú Bình, Nhà máy sợi Đông Phú và Nhà máy sợi Phú Hưng.
Thế nhưng, ông Lê Quang Hùng nhấn mạnh, ngay khi các nhà máy do Vinatex đầu tư đi vào hoạt động hết thì các doanh nghiệp may mặc không thuộc hệ thống của Vinatex cũng không có lợi. Bởi nguồn nguyên phụ liệu này cũng chỉ đủ cung cấp cho doanh nghiệp dệt may của tập đoàn.
Các doanh nghiệp dệt may nội địa cần được tăng cường nội lực đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu.Ảnh: CAO THĂNG
Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, đây cũng là mô hình mà các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang ồ ạt đầu tư vào Việt Nam. Các doanh nghiệp thực hiện sản xuất khép kín từ việc tạo nguồn nguyên liệu đến khâu thành phẩm cuối cùng để xuất khẩu. Trên thực tế, để đón đầu cơ hội hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu sang các nước thành viên Hiệp định TPP, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam.
Đơn cử như Tập đoàn Dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc) đầu tư nhà máy theo quy trình khép kín từ sản xuất sợi đến dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu USD, Công ty Forever Glorious thuộc Tập đoàn Sheico (Đài Loan) đầu tư 50 triệu USD xây dựng dự án hoàn chỉnh từ dệt vải đến sản xuất các sản phẩm may mặc…
Hiện có nhiều doanh nghiệp may mặc, nhất là doanh nghiệp không thể chủ động sản xuất nguồn nguyên phụ liệu đã chuyển hướng xuất khẩu sang những nước không phải là thành viên Hiệp định TPP. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Theo ông Võ Trí Thành, để doanh nghiệp dệt may nội có thể phát huy lợi thế khi Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định TPP, nhà nước nhất thiết phải tăng cường nội lực đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trong chính sách thu hút đầu tư đối với ngành này cần phải khéo léo đưa ra những tỷ lệ nhất định dành cho cung ứng nội địa. Về phía các doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng cần cấp thiết quy hoạch vùng sản xuất nguyên phụ liệu dệt may, trong đó có chính sách, quy định rõ về tiêu chuẩn môi trường để doanh nghiệp chủ động ngay từ khâu đầu tư.
ÁI VÂN
thanks ad bài viết sản xuất nguyên liệu ngành dệt may rất hay more: cảm biến vùng BW40-06P giá tốt nhất
Trả lờiXóaDịch vụ lò hơi 247! Bán lò hơi, sửa chữa thay thế thiết bị cho Nồi hơi
Trả lờiXóanồi hơi công nghiệp | vật tư lò hơi | Ghi lò hơi | Cho thuê nồi hơi | dịch vụ vệ sinh lò hơi | Củi trấu | ghi xích nồi hơi