Thứ Hai, 14 tháng 8, 2017

Dệt may bước vào cuộc chơi mới


Cuộc chơi mới của ngành dệt may trong năm 2017 chính là chuẩn bị tốt các điều kiện để gia tăng thị phần tại thị trường EU, đón cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU.

Chưa có yếu tố xán lạn
Năm 2016 là năm khó khăn vô cùng đối với ngành dệt may khi chỉ tăng trưởng XK một con số, tăng 5,2%, trong khi những năm trước đều tăng trưởng 2 con số. Nếu so sánh về giá trị tuyệt đối thì số lượng không giảm nhiều, những năm trước tăng 2 tỷ USD/năm thì năm nay tăng 1,5 tỷ USD nhưng so với quy mô ngành sau 6-7 năm, việc tăng trưởng 5,2% thực sự là thách thức đối với các DN trong ngành.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, đầu năm 2016, ngành dệt may được dự báo tăng trưởng 2 con số, đạt 30 tỷ USD, nhưng thực tế chỉ đạt 28,3 tỷ USD. Khác với những năm trước, khó khăn của ngành dệt may không đến từ việc kinh tế suy giảm mà đến từ các yếu tố bất định về chính trị nên khó dự báo như: Anh rời EU, ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ... “Đây là điểm mới hoàn toàn cho dệt may Việt Nam. Trong 10 năm điều hành, tôi cho rằng, 2016 là năm có những biến động ngoài kinh tế nhưng ảnh hưởng trực tiếp, nhanh nhất đến kinh tế”, ông Trường khẳng định.

Dù mức tăng trưởng thấp, không phù hợp với năng lực, quy mô của ngành dệt may nhưng ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương đánh giá, dệt may Việt Nam vẫn giữ vững được tăng trưởng ở các thị trường trên thế giới, đặc biệt là có mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm các nước XK dệt may trên thế giới. Bổ sung thêm thông tin, ông Trường cho hay, thị phần của Việt Nam tại những thị trường lớn vẫn tiếp tục được cải thiện như thị phần tại Mỹ tăng lên 11%, thị phần tại Nhật Bản cũng tăng tốt, Việt Nam trở thành trọng điểm của cạnh tranh dệt may thế giới.

Bước sang năm 2017, ngành dệt may vẫn tiếp tục được dự báo gặp nhiều khó khăn, chưa có những yếu tố xán lạn mới mặc dù các dự báo đều cho rằng xu thế kinh tế có tốt lên. Còn ở trong nước, Chính phủ tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô nên vẫn phải áp dụng chính sách tỷ giá linh hoạt, do vậy theo ông Lê Tiến Trường, sẽ không thể có biến động thật lớn để hỗ trợ XK cho Việt Nam trong khi các quốc gia khác làm rất nhiều. Tình hình cạnh tranh XK ngày càng gay gắt, các quốc gia cạnh tranh XK sẽ tiếp tục thu hút đơn hàng nhờ các chính sách hỗ trợ về thuế, tỷ giá. “Ví dụ, 6 tháng cuối năm 2016 gần như hàng hóa các nước rẻ hơn khá nhiều so với Việt Nam. Đây tiếp tục là áp lực trong năm 2017”, ông Trường nêu dẫn chứng.

Với việc dự báo còn khó khăn nên năm 2017 ngành dệt may không phấn đấu mục tiêu tăng trưởng 10-12% như mọi năm mà chỉ dự kiến tăng 6,5-7% trong năm 2017, tương đương trên 30 tỷ USD.

Cuộc chơi lớn nhất là EU
Bên cạnh một loạt “u ám”, ông Lê Tiến Trường vẫn chỉ ra tín hiệu sáng sủa cho năm 2017 là việc hoàn tất về mặt pháp lý của Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU để hướng đến năm 2018 có hiệu lực. Điều này có nghĩa là 6 tháng cuối năm 2017 có thể có nhiều hoạt động cho sự chuẩn bị của thị trường EU. “Chúng tôi hy vọng đặt tham vọng cho tăng trưởng tại EU để bù đắp cho mục tiêu năm 2017”, ông Trường nói.

Trên thực tế, tiềm năng thị trường EU rất lớn nhưng cạnh tranh ở EU khác với Mỹ. Ở EU có tổng quy mô dân số lớn nhưng vẫn là những quốc gia riêng, văn hóa riêng, bản sắc riêng mỗi quốc gia dân số lại nhỏ từ 10-12 triệu người. Vì thế khi tiếp cận thị trường EU là DN phải tiếp cận từng nước khác nhau Anh khác, Đức khác, Pháp khác… Do đó, việc tiếp cận với khu vực châu Âu khó hơn nhiều so với việc tiếp cận với thị trường Mỹ.

Với EU do tính chất thị trường nhỏ, tính thời trang cao, thời gian quay vòng sản phẩm ngắn đòi hỏi thời gian giao hàng phải cực ngắn. Chính vì thế, ở EU vẫn đang nhập sản phẩm dệt may một nửa ở nội khối như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… để chuyển vào cực nhanh như các tỉnh với nhau trong 1 nước. Trong khi đó, xét trên phương diện NK ngoại khối, Việt Nam mới chỉ có 3% thị phần. Lãnh đạo Vinatex nhận định, cạnh tranh ở EU không dễ dàng như thị trường Mỹ song với xuất phát điểm như vậy thì rõ ràng Việt Nam có cơ hội, còn Mỹ khi đã đạt được thị phần 11-12% rồi thì tăng trưởng khó hơn. “Với bệ đỡ của FTA- số dòng thuế đưa về 0% và giảm dần, có hiệu lực từ 2018 thì những đơn hàng nửa cuối năm 2017 cũng có hy vọng nhất định về sự tăng trưởng thị trường này”, ông Trường chia sẻ.

Với những cơ hội từ hiệp định nói trên, EU được coi là “cuộc chơi” lớn nhất của ngành dệt may trong năm 2017. Vì vậy, ngành này đặt trọng tâm là làm sao đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng vào thị trường EU. Bởi lẽ, theo tính toán của ông Trường, nếu EU chỉ tăng 5-6% của 4 tỷ USD trong năm 2016 thì sẽ tăng thêm 200 triệu USD, nhưng nếu tăng đến 10-12% thì sẽ đóng góp vào tăng trưởng XK toàn ngành thêm 500 triệu USD.

Tất nhiên, ngoài nhiệm vụ trọng tâm này, DN vẫn phải tiếp tục tập trung khai thác hiệu suất cao hơn nữa của trang thiết bị đã đầu tư, tức là giảm đầu tư theo chiều rộng mở thêm nhiều nhà máy ở các nơi bằng cách tuyển thêm lao động nhưng dựa trên tài sản cố định đã có; tiếp tục nâng cao năng suất; tìm thị trường ngách khó theo hướng những mặt hàng có quy mô đơn hàng nhỏ và vừa nhưng khó để tiếp tục xác định lợi thế.
Tập đoàn Dệt may thu về 40.500 tỷ đồng năm 2016
Theo Phan Thu
Báo hải quan

Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

TP.HCM: Kiến nghị không thành lập các khu công nghiệp dệt may quy mô lớn

Vải nhập khẩu làm nguyên liệu gia công, xuất khẩu. Ảnh Thu Hòa

Trước tình hình các khu công nghiệp đã thành lập có khả năng tiếp nhận các doanh nghiệp hiện hữu trong nội thành di dời vào và tiếp nhận các dự án công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may theo định hướng của TP.HCM, UBND TP.HCM vừa kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư không quy hoạch và thành lập các khu công nghiệp dệt may quy mô lớn trên địa bàn TP.HCM.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM đang tiến hành xây dựng dự án trung tâm thiết kế thời trang và giao dịch nguyên phụ liệu ngành dệt may thành phố theo định hướng phát triển ngành dệt may của thành phố.

Theo quy hoạch được duyệt, hiện nay TP.HCM có 23 khu chế xuất, khu công nghiệp (17 khu công nghiệp, khu chế xuất đã thành lập và đang hoạt động được quy hoạch đa ngành).

Các dự án tại khu chế xuất, khu công nghiệp hoạt động đa ngành, trong đó có lĩnh vực dệt may, chủ yếu là may gia công xuất khẩu (khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung I, Linh Trung II; khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, Tân Bình, Tân Tạo, Tây Bắc Củ Chi, Đông Nam,…), lĩnh vực dệt nhuộm quy mô nhỏ (khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Tân Tạo, Hiệp Phước giai đoạn 1,…).

Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp Xi măng Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến năm 2030 theo hướng không đầu tư mới các cơ sở sản xuất xi măng (bao gồm nhà máy sản xuất clinker và trạm nghiền) trên địa bàn TP.

Đối với các cơ sở sản xuất xi măng hiện hữu, UBND TP.HCM đề xuất di dời các nhà máy, trạm nghiền xi măng ra khỏi thành phố theo lộ trình; chỉ cho phép đặt các trạm tiếp nhận, phân phối xi măng đạt yêu cầu vệ sinh môi trường trong các khu công nghiệp (không được nung clinker, nghiền xi măng), nhằm hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường nhưng vẫn đảm bảo doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động trạm tiếp nhận, đáp ứng yêu cầu kinh doanh, phân phối cho thị trường.

Theo Lê Thu
Hải quan

Thứ Ba, 8 tháng 8, 2017

Vải lót túi quần âu, những loại vải thường dùng làm lót túi quần âu.

Vải lót túi quần âu có thể sử dụng loại vải Vải polyester.



Vải polyester là loại vải được dệt hoàn toàn bằng 100% polyester.

Ưu điểm sản phẩm: giá thành sản phẩm thấp, hình in sắc nét và khó bay màu, được các bạn học sinh, sinh viên ưa chuộng.



Nhược điểm: không thoát mồ hôi, gây cảm giác nóng bức nếu vận động mạnh còn mặt bình thường thì khỏi chê vừa đẹp mát và rẻ.

Vải lót túi quần âu có thể sử dụng Vải Kate.


Vải kate là loại vải có thành phần là sợi Polyester và sợi vải Cotton

Vải Kate về cơ bản thì có loại 65/35, hoặc 35/65, giá thành sẽ khác nhau khi thành phần khác nhau.

Công ty cổ phần xây dựng thương mại và dịch vụ Thiên Trường đang bán buôn và bán lẻ các sản phẩm vải lót làm túi quần.

Xin vui lòng liên hệ:
ĐT: 0974 187 709 - 0913 352 368
DC: P311 Nhà C2 Khu tập thể thanh xuân bắc Quận Thanh Xuân TP Hà Nội




Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

Chẳng đâu xa, 'robot cướp việc' con người đã đến Việt Nam: 90% công nhân ở một nhà máy Bình Dương đã phải nghỉ việc vì robot!

Theo ILO, 86% người lao động Việt Nam trong ngành dệt máy- da giày và 3/4 lao động trong ngành điện- điện tử có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm cao do tự động hóa.


Đừng nghĩ chuyện robot cướp việc của con người vẫn còn đang đâu đó xa vời ngoài thế giới. Cho đến những ngày giữa năm 2017 này, người ta chứng kiến những công nhân người Việt, ngay trên đất Việt Nam, đang bắt đầu bị ‘mất việc bởi robot’.

Vì vậy, có lẽ viễn cảnh tương tự đối với những người Việt làm kế toán, làm dịch thuật, hay thậm chí là làm bác sĩ sẽ đến chỉ trong nay mai mà thôi (Trên thế giới, người ta dự đoán đến năm 2053, nghề bác sĩ phẫu thuật – một nghề danh giá trong xã hội – sẽ chính thức vào tay những công nghệ tối tân như công nghệ sinh học, AI hay robot).

Còn hiện tại, chuyện công nhân ‘mất việc bởi robot’ là thực tế chính đang xảy ra tại nhiều công ty sản xuất mỹ nghệ ở Bình Dương, theo thông tin từ tờ Nhịp cầu đầu tư.

Con số giật mình được đưa ra là có tới 90% công nhân đã phải nghỉ việc, với lý do là vì nhiều dây chuyền sản xuất chỉ cần vỏn vẹn 5 robot là đã vận hành ‘ngon lành’. 5 robot này thừa sức thay thế được số lượng lớn tới hơn 100 công nhân nhưng chỉ tập trung được vào duy nhất khâu tạo hình sản phẩm trong toàn bộ dây chuyền.

Bên trong một nhà máy của Vinamilk

Trung bình cứ mỗi tiếng, 1 robot này vận hành sẽ cho ra 500 sản phẩm, với độ chính xác lên đến từng milimet. Điều quan trọng là robot không bị ảnh hưởng bởi tâm lý như con người, chúng không mệt, không đói, không vướng bận gia đình, cho nên năng suất luôn được giữ vững. Do đó, các sản phẩm được làm ra không chỉ được đảm bảo về chất lượng mà còn ổn định về số lượng

Câu chuyện tượng tự cũng xảy ra ở một số công ty chế biến thủy sản ở Cần Thơ. Các công ty này cũng đã đầu tư các dây chuyền tự động hóa cao: Thủy sản, ví dụ như những con tôm, sẽ được đặt trên băng chuyền và được đưa qua những ‘con mắt lazer’ có chức năng phân loại tôm theo đúng kích cỡ quy định. Phân loại xong, dây chuyền tự động sắp xếp tôm ở cùng một kích cỡ vào một nhóm.

Hiệu quả của dây chuyền này rất đáng nể, khi mà hàng chục tấn tôm, với độ chính xác cao, có thể được xử lý trong mỗi ngày. Công việc này trước đó phải cần tới hàng trăm công nhân làm trong rất nhiều thời gian nhưng độ chính xác vẫn rất thấp.

Vì thế, với sự ra đời của dây chuyền trên, hàng trăm công nhân này có lẽ sẽ sớm nhận được những tờ giấy cho ‘tạm nghỉ việc’ chăng?

Không chỉ các cơ sở sản xuất nhỏ và trung bình, xu hướng ‘robot cướp việc của con người’ giờ đây cũng đã ‘lây lan’ tới những công ty lớn của Việt Nam. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu, bởi lẽ các công ty, tập đoàn lớn cũng sẽ tương đương với những khối lượng công việc khổng lồ cần sự trợ giúp của máy móc.

Hiện tại nhà máy sữa Mega của Vinamilk đã được đầu tư tới 2.400 tỉ đồng để làm tự động hóa các khâu sản xuất từ chiết rót, tiệt trùng cho đến đóng gói, đóng thùng và chất lên pallet.

Giờ đây, mối lo mất việc cho những người công nhân đang càng được nhân rộng ra. Điều gì sẽ xảy ra với những người lao động có trình độ thấp trong xã hội Việt Nam, nếu như không chỉ Vinamilk mà hàng loạt các công ty lớn trong lĩnh vực sản xuất khác cũng quyết định sử dụng robot?

Ở Đài Loan thì Foxconn - doanh nghiệp đã giàu lên từ việc chuyên 'dùng sức người' để gia công phụ kiện cho Apple, Sony và Nokia - vừa qua đã cắt giảm tới 60.000 công nhân, tức là hơn một nửa lượng lao động hiện có để thay thế bằng robot. Và câu chuyện tương tự hoàn toàn có thể xảy ra tại Samsung, với hơn 100.000 công nhân hiện tại ở Việt Nam.

Sự thực là chỉ cần những công ty FDI lớn, ví dụ như Samsung Việt Nam, thực hiện động thái giống như Foxconn thì việc làm của hàng chục ngàn lao động Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng theo cách mà các công nhân ở Foxconn đã phải hứng chịu: mất việc!

Cuối cùng, những con số thống kê có lẽ sẽ chứng minh một cách rõ ràng nhất. Theo Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam thì trong 3 năm gần đây, số lượng những công việc cần trình độ thấp đã tăng trung bình tới 47%/năm.

Tuy nhiên, số lượng người làm những công việc này được thống kê chỉ tăng ở mức 8%. Vậy, câu hỏi được đặt ra là phần lớn những công việc ‘chân tay’ này đã được thực hiện bởi thứ gì nếu không phải là con người? Robot? Công nghệ?

Tất cả những điều trên đã vẽ lên một thực tại đáng ngại: Các lao động của Việt Nam, phần lớn là lao động giá rẻ trình độ thấp, chưa đáp ứng được các ngành đòi hỏi kỹ thuật cao đang dần dần bị mất việc bởi robot và công nghệ.

Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự báo rằng, trong 2 thập niên tới, khoảng 56% số lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ mất việc vì robot.

Đặc biệt, tỷ lệ này xảy ra với ngành may mặc là lên đến 86%. Chúng ta cần nhớ rằng may mặc chính là một lợi thế của Việt Nam, nhờ vào tính thâm dụng lao động mà chúng ta có được.

Ở trong nước, đã bắt đầu có nhiều hội thảo hướng nghiệp với nội dung “Học ngành gì để không bị robot thay thế” được tổ chức. Điều này cho thấy, viễn cảnh robot thay thế số lượng lao động lớn ở Việt Nam đang ở gần và đã bắt đầu tác động lên xã hội chúng ta, xuất hiện trong từng câu chuyện thường ngày...

Đối với các điều hành nền kinh tế, có lẽ sự đổi mới mô hình tăng trưởng cho Việt Nam sẽ là điều cấp bách cần được đề xuất. Còn đối với doanh nghiệp, thích ứng được với môi trường cạnh tranh mới và tăng năng suất chính là yếu tố cạnh tranh sống còn. Xu thế này buộc họ phải đầu tư cho tự động hóa và robot, chứ không còn không thể trông chờ vào lợi thế về lao động nữa.
Công nhân may mặc có nguy cơ thất nghiệp vì robot
Theo Vượng Lê
Trí thức trẻ

Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2017

Công nhân may mặc có nguy cơ thất nghiệp vì robot


Nếu không kịp thời trang bị thêm kỹ năng, kiến thức, nhiều công nhân sẽ có nguy cơ thất nghiệp vì robot. Trong ảnh: công nhân tại một xưởng may ở tỉnh Bình Dương - Ảnh: HỮU KHOA
Trong hai thập kỷ tới, khoảng 56% số người lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ mất việc vì robot, đặc biệt là ngành may mặc.

Đó là kết quả của một nghiên cứu do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố mới đây. Nghiên cứu của ILO chỉ ra riêng dệt may, da giày hiện đang là các ngành thâm dụng lao động nhiều nhất tại các quốc gia như Indonesia, Việt Nam và Campuchia, trong đó 86% công nhân ngành dệt may của Việt Nam, 64% của Indonesia và 88% công nhân của Campuchia sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm của xu hướng tự động hóa.

“Nhà máy siêu tốc độ”
Báo Guardian của Anh cho hay dù sewbots (từ ghép giữa sewing và robot, có nghĩa robot may vá) vẫn chưa xuất hiện ở những nhà máy may mặc tại châu Á nhưng nó đang và sẽ có mặt tại các thị trường châu Âu và Mỹ.

Guardian dẫn thông tin từ Adidas xác nhận một nhà máy của hãng này ở Đức sẽ bắt đầu dùng robot sản xuất giày vào năm 2017.

Theo đó, “nhà máy siêu tốc độ” này sẽ chỉ thuê 160 công nhân. Adidas cũng lên kế hoạch sử dụng robot tại một nhà máy ở Mỹ trong thời gian tới.

Thông thường, để sản xuất một đôi giày Adidas mất 18 tháng từ việc ra ý tưởng đến khi đưa ra kệ bán hàng.

Với việc sử dụng robot, Adidas đặt ra mục tiêu cắt giảm công đoạn này còn chỉ 5 giờ, trong đó khách hàng có thể tự thiết kế đơn đặt hàng của mình.

“Mục tiêu của chúng tôi là phi tập trung hóa sản xuất và thành lập một mạng lưới toàn cầu những nhà máy siêu tốc độ ở gần hơn với khách hàng” - Katja Schreiber, người phát ngôn của Adidas, khẳng định.

ILO đang thúc giục các quốc gia ASEAN bắt đầu có những giải pháp ngăn chặn. Jae Hee Chang, đồng tác giả báo cáo của ILO, cho rằng các công ty đang bị quyến rũ bởi các công nghệ tự động vì có giá thành và chất lượng cạnh tranh hơn, đồng thời giúp giảm thiểu các nguy cơ tai nạn lao động.

“Theo một kịch bản tốt nhất, robot có thể đảm nhiệm những công việc lặp đi lặp lại, không cần kinh nghiệm trong việc sản xuất quần áo.

Robot cũng có thể được cho là đảm nhận những nhiệm vụ nguy hiểm như pha trộn chất hóa học, được xem là gây ra nhiều nguy cơ đối với sức khỏe của công nhân” - bà Chang nói.

Theo bà Jae Hee Chang, có thể tránh viễn cảnh thất nghiệp quy mô lớn đối với các công nhân nếu như các nhà máy may mặc ở ASEAN thay đổi mô hình “hướng đến xuất khẩu” hiện nay sang tập trung vào các mặt hàng phục vụ tầng lớp trung lưu đang nổi lên ở ASEAN.

“Có nghiên cứu cho thấy người dân trong khu vực ASEAN yêu thích nhãn hiệu trong nước hơn. Đây là cơ hội cho các công ty sản xuất quần áo giảm sản xuất những loại quần áo có giá trị cao hơn, và cần những lao động có tay nghề cao và kinh nghiệm. Các công nghệ tự động sẽ rất khó thay thế quy trình sản xuất những mặt hàng này” - bà Chang chỉ ra.

Tuy nhiên, theo bà, để sản xuất những loại quần áo có giá trị tăng cao hơn đồng nghĩa chính phủ và doanh nghiệp ở nước đó phải đầu tư lớn hơn vào việc đào tạo công nhân.

Báo cáo của ILO cũng đề xuất lực lượng lao động ở khối ASEAN nên được huấn luyện nhiều kỹ năng hơn sẽ cho phép họ thích nghi với những môi trường làm việc khác nhau và có thể tiếp thu những công nghệ mới để làm việc cùng với những loại máy móc số hóa.

Việt Nam ứng phó 
ra sao?
Nhận định với Tuổi Trẻ về nghiên cứu của ILO, bà Nguyễn Thị Hải Vân - cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - thương binh và xã hội - cho biết đây là nhận định có cơ sở bởi vì tự động hóa trong sản xuất, kinh doanh là một xu hướng tất yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của chính các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa các chi phí đầu vào, trong đó có chi phí về nhân công, qua đó góp phần tăng năng suất lao động.

“Nhận định này của ILO là một tín hiệu cảnh báo đối với các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam, về việc chúng ta không thể duy trì mãi lợi thế công nhân giá rẻ hay các ngành sản xuất thâm dụng lao động, cần phải có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nền sản xuất với công nghệ hiện đại, đồng thời chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng, năng động, linh hoạt, sẵn sàng thích ứng với những biến động của thị trường lao động” - bà Vân nói.

Dù tỏ ra lo lắng nhưng bà Vân cho rằng ngành dệt may vẫn cần những bàn tay khéo léo của người lao động và điều này robot không thể thay thế.

“Đánh giá của các chuyên gia trong ngành dệt may, chúng ta thấy rằng ngành dệt có thể tự động hóa tối đa nhưng may mặc, do nhu cầu phong phú, đa dạng về thiết kế, kiểu dáng nên các sản phẩm may vẫn cần đến bàn tay cần mẫn và khối óc sáng tạo của đội ngũ công nhân lành nghề” - bà Vân nhận định.

Về giải pháp của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, bà Vân cho biết Cục Việc làm đề ra hai giải pháp tổng thể nhằm ngăn viễn cảnh robot “giành lấy” việc làm của người lao động Việt Nam.
Đầu tiên là tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao thay vì các sản phẩm, các ngành sản xuất thâm dụng lao động.

Kế đến là chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm nơi thu hút phần lớn lực lượng lao động hỗ trợ các ngành sản xuất chính, nơi công nghệ sản xuất được tự động hóa ngày càng cao.

Giỏi một nghề, biết nhiều nghề
Bà Nguyễn Thị Hải Vân cho rằng người lao động cần vừa học vừa làm để không ngừng nâng cao trình độ năng lực về chuyên môn, ngoại ngữ; giỏi một nghề, biết nhiều nghề, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu mới của công việc và của người sử dụng lao động; rèn luyện tác phong làm việc, sẵn sàng thích ứng với môi trường làm việc mới, có thể làm việc độc lập, làm việc nhóm hay làm việc với robot...
Ngoài ra, người lao động cần phát huy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp để có thể tự tạo việc làm cho bản thân, cho người khác và cho xã hội.

3 giải pháp cho Việt Nam
Đánh giá về nghiên cứu của ILO, TS Võ Trí Thành - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - cho rằng câu chuyện này nên nhìn lớn hơn tức là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên toàn thế giới, với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, đang thật sự là mối đe dọa cho ngành sản xuất, đặc biệt là những lao động kỹ năng thấp.
Tuy nhiên, theo TS Thành, trong thách thức luôn có cơ hội và ông đề ra ba giải pháp cho Việt Nam.
Một là, Việt Nam cần biết những lợi thế so sánh của mình để từ đó phát huy, nhằm gia tăng năng suất của lao động.

Hai là, cải thiện hệ thống giáo dục, môi trường khoa học, thúc đẩy sáng tạo, nhất là sáng tạo trong lĩnh vực khởi nghiệp. Cuối cùng là tạo ra những thể chế, chính sách thích hợp hơn.
86 lao động dệt may Việt Nam có nguy cơ mất việc
Theo Quỳnh Trung - Đức Bính
Tuổi trẻ